Học công nghệ sinh học dễ thất nghiệp! Thì đã sao?

thất nghiệp

Trong cuộc đời đi làm của mỗi chúng ta, “thất nghiệp” là cụm từ được cho là rất khủng khiếp. Nó khiến chúng ta xấu hổ, tự ti, nhụt chí và nhất là kiệt quệ về tài chính. Thế nhưng, khi mọi khó khăn qua đi, được ngồi chễm chệ trong phòng làm việc của một công ty nào đó, chúng ta có thể sẽ có một cái nhìn khác về “thất nghiệp”. Nó mang lại cho chúng ta không ít bài học quý báu mà chỉ khi trải qua mới thấm thía nổi.

Như các bạn đã biết, tôi là một người làm trong ngành công nghệ sinh học. Để viết bài blog ngày hôm nay, tôi đã phải trải qua 3 lần thất nghiệp trong hơn 10 năm sau khi rời ghế nhà trường.

Nội dung

Lần thất nghiệp thứ nhất: “cái bạn thích chưa chắc là cái người ta cần”

Tôi học chuyên ngành Tin-Sinh học (Bioinformatics) tại trường ĐH Khoa Học Tự Nhiên TP.HCM. Thời điểm tôi vừa mới bảo vệ xong bài khóa luận của mình cũng là lúc tôi được nhận ở lại trường với vai trò trợ giảng và được tuyển thẳng lên Cao học. Ấy vậy mà tôi đã không thể gắn bó và xin rời trường chỉ 1-2 tháng sau đó. Tôi muốn xem bên ngoài người ta làm cái gì với ngành công nghệ sinh học.

Hệ (hay hậu) quả của việc này là tôi “được” thất nghiệp khoảng 5 tháng. Không một công ty nào thuê người làm Bioinformatics lúc bấy giờ. Tôi chuyển sang nộp đơn vào nhà máy làm nhân viên KCS, vào xưởng làm nuôi cấy mô, vào công ty thương mại làm nhân viên kinh doanh, v.v.. Không một lần nào tôi thành công. Phần vì tôi không hề có kinh nghiệm thao tác trong phòng thí nghiệm, phần vì tôi không rành máy móc, hóa chất để buôn bán, và cũng có thể nói phần vì tôi chưa may mắn.

Từ bài học lần này, tôi chia sẻ với các bạn sinh viên năm 2, 3, 4 rằng: Đừng nghĩ cứ học đạt loại Giỏi hay thậm chí Xuất Sắc trong chuyên ngành thì ra trường chắc chắn có việc làm! Có 2 điều các bạn nên lưu ý để tránh bị thất nghiệp … bền vững:

  1. Chọn chuyên ngành và chọn làm khóa luận tốt nghiệp theo những đề tài “nóng hổi” của xã hội hiện tại. Muốn biết cái gì được xem là “nóng hổi” thì các bạn nên chịu khó tham dự những buổi hướng nghiệp của Khoa, Trường.
  2. Tranh thủ làm thao tác trong phòng thí nghiệm càng nhiều càng tốt, ngay sau khi được nhận vào lab. Đừng nề hà việc to, việc nhỏ, việc dơ, việc sạch, v.v…

Lần thất nghiệp thứ hai: “ngoài kia bao la sóng gió, đừng mang hư danh…”

Khó khăn đầu đời đã qua, tôi được nhận vào làm nhân viên R&D tại một công ty tư nhân chuyên nghiên cứu và sản xuất hóa chất sinh học phân tử. Sau 6 năm kế tiếp, khi đang yên ổn cùng với một chức danh quản lý nghe kêu kêu trong công ty, tôi quyết định nghỉ việc để chuyển sang làm nhân viên kinh doanh thiết bị (sales). Quãng đời rộn ràng của tôi cũng bắt đầu từ đây.

Rất chóng vánh, chỉ sau 6 tháng, tôi tự nộp đơn xin nghỉ việc tại công ty mới này. Có không ít lý do, nhưng lý do lớn nhất là tôi chưa thật sự hợp với nghề sales lúc này. Tôi cảm thấy không thoải mái khi cứ phải đi rình mò những người lạ được gọi với cái tên chung chung “khách hàng tiềm năng”. Tôi cảm thấy mình thật giả tạo khi cứ phải thao thao bất tuyệt hàng tiếng đồng hồ để cố gieo rắc vào đầu khách hàng “Đây là sản phẩm tốt nhất và phù hợp nhất với anh/chị”, vì tôi biết còn lắm thứ tốt và phù hợp hơn. Tôi cảm thấy đầu óc mụ mị khi cứ phải nghĩ thêm nội dung để xởi lởi với khách hàng kiểu như “Hồi trước chị học ở đâu?”, “Chà, đề tài đó khó lắm đó chị, chị làm sao hay vậy?”, hay “Chị, cái này ít ai làm ra lắm đó, chị làm được vậy là giỏi lắm rồi…”, bla bla bla…

Bài học lớn nhất của tôi trong lần thất nghiệp thứ 2 (kéo dài đến 4 tháng): Chức danh tại một công ty chỉ có giá trị trong nội bộ công ty đó. Bước ra ngoài, bạn chỉ còn là một người bình thường. Hơn thua nhau là ở kinh nghiệm tích lũy thật sự. Và hãy cố gắng kiếm việc mới phù hợp với kinh nghiệm này. Nếu không, hãy tự hỏi “Mình đã sẵn sàng cho cuộc phiêu lưu lên voi xuống … đất chưa?”

Tặng thêm một bài học nho nhỏ: Vì chức danh là nhất thời nên bạn hãy cố gắng cư xử bình đẳng và thân thiện với mọi người trong công ty, dù là cấp trên hay cấp dưới của bạn. Suy cho cùng, chúng ta luôn có một điểm chung là đều đi làm công cả thôi.

Lần thất nghiệp thứ ba: “khởi nghiệp không từ sở trường”

Có một khoảng thời gian chừng 8 tháng tôi bỏ hết mọi công việc liên quan đến chuyên môn sinh học phân tử của mình để vận hành một công ty bé xíu chuyên kinh doanh về thủy canh. Nhiều người cảm thấy lạ, nhiều người cảm thấy tiếc, một vài người cảm thấy lo lắng cho tôi. Riêng bản thân, ngẫm lại, tôi thấy đó là khoảng thời gian rất thú vị. Tôi mặc sức nghĩ ra nhiều sáng kiến, chế tạo các mô hình, pha trộn các công thức thủy canh, vọc vạch các chiêu trò marketing online, tham gia thi thố khởi nghiệp, chia sẻ kiến thức cùng hội này, hội kia, v.v…

Về cơ bản là tôi đã không thành công và phải dừng lại cái bi-gi-nét của mình. Tôi trở lại với sinh học phân tử và cố gắng làm thật tốt những gì mình giỏi nhất – Kỹ thuật và Marketing.

Tôi học được gì trong lần thất nghiệp “tự nguyện” này?

“Bạn có thể làm được nhiều công việc khác nhau nhưng chỉ có một công việc phù hợp nhất cho bạn. Nó sẽ giúp bạn trở thành người giỏi nhất nên hãy cố bấu víu lấy nó.”

Liệu lần thất nghiệp thứ tư có đến với tôi không? Chắc nó cũng sẽ khủng khiếp và thú vị về sau thôi.

Bài viết thuộc bản quyền của Sinh Học Phân Tử Bên Giảng Đường.

Xem thêm  Học công nghệ sinh học dễ thất nghiệp! Thì đã sao?

 9,045 total views,  1 views today

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi