Trước hết, tôi cần khẳng định rằng có nhiều đáp án cho câu hỏi “Học sinh học phân tử thì nên làm nghề gì?”. Và cũng sẽ không có đáp án nào là sai cũng như là đầy đủ hết. Trong bài viết này, mục tiêu của tôi là nêu ra một số nghề tiềm năng cho những bạn sinh viên hoặc người học về các kỹ thuật sinh học phân tử. Những kỹ thuật này phục vụ cho việc nghiên cứu, phát hiện và định lượng các đối tượng ở cấp độ phân tử như DNA, RNA, protein. Việc chọn lựa ngành nghề nào là còn phụ thuộc vào khả năng, tính cách và hoàn cảnh của riêng mỗi bạn.
Nội dung
Nghiên cứu viên tại trường, viện, trung tâm
Vào một buổi đẹp trời nào đó trong 4 năm Đại học, bạn có thể đặt một câu hỏi “kinh điển” cho giáo viên của bạn rằng “Nếu học sinh học phân tử thì nên làm nghề gì sau khi ra trường?”. Tôi nghĩ đáp án đầu tiên bạn nhận được sẽ là “làm nghiên cứu”. Và nếu bạn hỏi tôi, tôi cũng sẽ trả lời tương tự như vậy. Vậy lý do là gì? Lý do đầu tiên tôi nghĩ đến là các kỹ thuật thuộc về sinh học phân tử rất đa dạng nên sẽ có nhiều loại nghiên cứu cần đến chúng. Lý do thứ hai tôi chưa nghĩ một cách thấu đáo. Có thể vì nhiều nhà sinh học đoạt giải Nobel cho đến nay ít nhiều đều dùng đến các kỹ thuật sinh học phân tử chăng?
Nếu bạn thích và đam mê tìm tòi cái mới, bạn nên thử làm công việc nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm trong chính trường Đại học của bạn. Ngoài ra, bạn có thể nộp đơn vào các viện hay trung tâm nghiên cứu có nhóm đề tài mà bạn thích. Tại đây, bạn sẽ được tham gia vào những đề tài, dự án nghiên cứu của đơn vị. Những đề tài liên quan đến sinh học phân tử đang “nóng sốt” nhất hiện nay bao gồm:
- Y học: tế bào gốc, ung thư, bệnh truyền nhiễm, bệnh di truyền
- Động vật: bệnh nhiễm trên gia súc, gia cầm; cải tiến giống; phát triển thức ăn mới, phương pháp điều trị mới
- Thực vật: sàng lọc giống cây; phát hiện bệnh do vi-rút, vi khuẩn, vi nấm; lai tạo giống mới
- Công nghiệp: xử lý môi trường, phát triển các chủng vi sinh vật có lợi
Nhân viên nghiên cứu – phát triển sản phẩm tại các công ty
Khi còn là một sinh viên năm 3, năm 4 tại trường đại học, tôi cũng luôn hỏi bản thân mình “Mình học sinh học phân tử thì nên làm nghề gì sau khi ra trường?”. Lúc đó tôi cũng không biết trả lời như thế nào. Tuy nhiên, sau 8 tháng tìm việc, tôi đã trở thành một nhân viên nghiên cứu – phát triển sản phẩm và gắn bó với công việc này hơn 6 trời ròng rã.
Vào đầu những năm 2000, không có nhiều công ty sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm sinh học phân tử. Điều đó cũng có nghĩa nhu cầu tuyển dụng vị trí nhân viên nghiên cứu – phát triển sản phẩm (R&D) tại các công ty này cũng rất thấp. Tuy nhiên, sau gần 20 năm, tình hình đã sáng sủa hơn cho loại công việc này. Theo tôi, hiện tại có ít nhất 7 công ty tư nhân đang sản xuất những sản phẩm liên quan đến sinh học phân tử tại khu vực phía Nam. Những sản phẩm này là các bộ hóa chất xét nghiệm bệnh, sản phẩm dược sinh học, nguyên liệu PCR, hay thậm chí là một số máy móc cơ bản như máy PCR, bàn soi UV, v.v… Nếu bạn thích tìm tòi cái mới nhưng cần một môi trường năng động, cạnh tranh quyết liệt hơn, bạn có thể tham gia vào đội ngũ R&D này. Ngoài kinh nghiệm làm trong lab sinh học phân tử, bạn cần chú ý một số yêu cầu công việc sau:
- Kiến thức sinh học phân tử nền tảng thật vững chắc
- Định hướng phát triển, cải tiến sản phẩm phải theo yêu cầu của thị trường và người dùng cuối, không phải theo trí tưởng tượng của riêng bạn
- Suy nghĩ về sản phẩm phải gắn liền với tính tiện lợi, nhanh chóng và giá thành thấp nhất có thể
- Luôn phải chú trọng đến độ ổn định, độ đúng và độ tái lặp của quy trình/sản phẩm
Nhân viên ứng dụng (Field Application Specialist)
Nếu bạn cho rằng bản thân không đam mê khoa học và nhạy bén đến mức để trở thành một nhà nghiên cứu giỏi, bạn có thể cân nhắc đến nghề “Nhân viên ứng dụng ngành sinh học” (Field Application Specialist, FAS). Để làm nghề này, bạn có thể nộp đơn vào các công ty thương mại Việt Nam hoặc công ty đa quốc gia chuyên kinh doanh các thiết bị hay hóa chất sinh học phân tử. Một số đặc tính của nghề này như sau:
- Gắn liền với lĩnh vực thương mại, tức là buôn bán, kinh doanh các sản phẩm thiết bị, hóa chất
- Không phải là làm nghiên cứu. Nếu có thì chỉ là ngồi kiếm tài liệu để chia sẻ giải pháp với khách hàng.
- Thường xuyên giao tiếp với khách hàng nên bạn cần có tư duy và suy nghĩ cởi mở, linh hoạt
- Làm gì cũng vì mục đính phục vụ khách hàng và kiếm tiền cho công ty
Bạn có thể tìm hiểu thêm về nghề Nhân viên ứng dụng ngành sinh học tại đây để trả lời cho câu hỏi “Học sinh học phân tử thì nên làm nghề gì?”.
Kỹ thuật viên tại các trung tâm dịch vụ phân tích
Theo sự hiểu biết của cá nhân tôi, hiện tại ở thành phố Hồ Chí Minh có không dưới 10 trung tâm nhà nước và tư nhân thực hiện các dịch vụ phân tích mẫu bằng các kỹ thuật sinh học phân tử như PCR, Real-time PCR. Hai dịch vụ thường xuyên nhất là:
- Dịch vụ phát hiện nhanh vi khuẩn hoặc vi-rút gây bệnh có trong thực phẩm (các loại thịt tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, sữa và các sản phẩm từ sữa, v.v…)
- Dịch vụ phát hiện và định lượng GMO trong các mẫu thực phẩm (các loại hạt, nguyên liệu làm bánh, bột gia vị, mì gói, v.v…)
Để thành công trong nghề này, ngoài các kỹ thuật sinh học phân tử như tách chiết DNA, PCR, Real-time PCR, bạn cần trang bị thêm các kiến thức về quy trình ISO, tiêu chuẩn Việt Nam hay các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Và sau đây là công việc tiềm năng thứ tư cho những ai hỏi rằng “Học sinh học phân tử thì nên làm nghề gì?”
Nhân viên xét nghiệm bệnh động vật
Đây là câu trả lời ít có thầy cô giáo nào nghĩ đến khi nhận được câu hỏi “Học sinh học phân tử thì nên làm nghề gì?”. Nhưng với tôi, đây là một nghề hứa hẹn không kém dành cho các bạn sinh viên học về sinh học phân tử. Tôi có thể tóm tắt một số ý chính về nghề này như sau:
- Tính chất công việc: dùng kỹ thuật sinh học phân tử như PCR – Điện di, Real-time PCR kết hợp với các kỹ thuật nuôi cấy vi sinh để phát hiện tác nhân gây bệnh trên động vật
- Các đối tượng phát hiện: vi-rút, vi khuẩn gây các loại bệnh dịch trên tôm nước lợ như bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, bệnh còi; vi-rút, vi khuẩn gây các hội chứng hay bệnh tiêu chảy trên heo; các loại vi-rút, mycoplasma gây bệnh hô hấp trên gà, vịt
- Đơn vị tuyển dụng: các công ty, tập đoàn sản xuất thịt, trứng có đàn gia súc, gia cầm riêng; các công ty sản xuất tôm giống và có ao nuôi tôm thương phẩm; các công ty sản xuất, cung cấp vắc-xin, thuốc thú y, thủy sản; các trung tâm chẩn đoán bệnh thú y, thủy sản của nhà nước; các chi cục thú y địa phương; phòng thí nghiệm tại các viện, trường có ngành thú y, thủy sản.
- Nên học thêm: kiến thức về thú y, thủy sản bao gồm bệnh học, miễn dịch học, kỹ thuật nuôi trồng, v.v…
Trong giới hạn của bài viết này, tôi khó lòng khắc họa hết thị trường việc làm hiện nay để trả lời cho bạn đọc một cách thấu đáo nhất câu hỏi “Học sinh học phân tử thì nên làm nghề gì?”. Vẫn còn đó những nghề như nhân viên nghiên cứu hay QC vắc-xin thế hệ mới, kỹ thuật viên xét nghiệm tại bệnh viện, giảng viên đại học, v.v… Tuy nhiên, trên đây là 4 nghề mà tôi thấy tâm đắc nhất, với tỷ lệ xin được việc khá tốt. Tôi hy vọng qua bài viết này bạn đọc sẽ có cái nhìn rộng hơn và phấn chấn phần nào về tương lai của việc học sinh học phân tử.
Bài viết thuộc bản quyền của Sinh Học Phân Tử Bên Giảng Đường.
13,473 total views, 1 views today
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.