Có khá nhiều bạn hỏi tôi cách viết CV ngành sinh học dành riêng cho sinh viên mới ra trường. Lý do ở đây là các bạn cho rằng “sinh viên mới ra trường thì chắc chắn sẽ không có kinh nghiệm gì hết! Vậy làm sao mà viết?”. Ngày xưa, tôi cũng có những suy nghĩ tương tự như vậy. Tuy nhiên, qua một khoảng thời gian khá dài hoạt động trong lĩnh vực sinh học này, tiếp xúc với không ít sinh viên mới ra trường thuộc những trường đại học khác nhau, tôi nhận ra có khá nhiều hoạt động của sinh viên có thể được đưa vào một CV. Sau đây, tôi sẽ chia sẻ bốn phần của một CV mà sinh viên mới ra trường nên chú ý.
Nội dung
Nên có phần “Tóm tắt” về bản thân
Cho dù bạn đang viết CV ngành sinh học hay ngành khác thì bạn luôn nên đưa phần “Tóm tắt” hay “Profile” vào CV của mình. Phần này sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá nhanh xem bạn có phải là một trong những ứng viên tiềm năng hay không. Thế nên, trong phần này, bạn cần phải nêu thật vắn tắt trong 3-4 dòng về những mục tiêu, mong muốn và khả năng của bản thân có liên quan với tính chất công việc mà bạn đang ứng tuyển. Ngoài ra, nếu bạn khéo léo, phần “Tóm tắt” này có khả năng kích thích sự tò mò của nhà tuyển dụng về bạn. Họ sẽ dành nhiều thời gian để đọc những phần sau của CV và bạn sẽ có nhiều cơ hội được tham gia phỏng vấn hơn.
Bạn có thể tham khảo cách viết phần “Tóm tắt” trong ví dụ ở hình bên dưới. Đầu tiên, bạn có thể nêu ra mục tiêu công việc của bạn, ví dụ như “…tìm kiếm 1 công việc trong phòng thí nghiệm nghiên cứu về bệnh Parkinson tại một công ty chuyên về nghiên cứu – phát triển sản phẩm sinh hóa.” Kế đến, bạn nêu thêm khát vọng hay mong muốn của bạn trong lĩnh vực chuyên môn đang đề cập, ví dụ “…mong muốn góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng bằng cách tham gia các nghiên cứu về tế bào, phòng chống bệnh và cải tiến các phương pháp chẩn đoán.” Và cuối cùng, bạn nên nêu thêm thế mạnh hay kỹ năng sở trường của bạn, phù hợp với vị trí mà bạn đang ứng tuyển.
Phần “Học vấn” nên ngắn gọn khi viết CV ngành sinh học
Theo tôi, khi viết CV ngành sinh học, bạn chỉ cần nêu phần “Học vấn” hay “Education” thật ngắn gọn và có điểm nhấn là được. Đầu tiên bạn chắc chắn phải nêu loại bằng cấp của bạn đã hoặc sẽ nhận là gì (cử nhân, kỹ sư, v.v…). Kế đến, bạn cần nói rõ chuyên ngành của bạn là gì (Sinh hóa, sinh học phân tử, di truyền, y học, công nghiệp, nông nghiệp, v.v…). Và tất nhiên, bạn phải nêu điểm số trung bình khi tốt nghiệp của bạn là bao nhiêu.
Để tạo điểm nhấn khác biệt cho phần “Học vấn” vốn dĩ rất khô khan này, bạn có thể nêu thật ngắn gọn những thành tích học tập bạn đã đạt được như các loại học bổng hay danh hiệu thủ khoa, á khoa, v.v… Ngoài ra, bạn có thể nêu tên khóa luận tốt nghiệp bạn đã thực hiện trong phần này.
Tập trung vào phần “Kinh nghiệm chuyên môn”
Đã có nhiều bạn sinh viên hỏi tôi “Em là sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm gì hết, thì làm sao em viết phần Kinh nghiệm chuyên môn?”. Câu trả lời của tôi là “Khi viết CV ngành sinh học, bạn hãy tập trung nói về các dự án nghiên cứu mà bạn đã làm.” Những dự án này có thể là nội dung khóa luận tốt nghiệp của bạn hoặc những nghiên cứu khác của thầy, cô mà bạn từng tham gia hỗ trợ. Nếu bạn đã từng đi thực tập chuyên môn (internship) thì càng tốt; bạn có thể kể về những công việc bạn đã được học và làm trong những đợt thực tập ấy. Ngoài ra, bạn cũng có thể nêu những kinh nghiệm làm trợ giảng ở phòng thí nghiệm của trường, nếu có.
Trong ví dụ ở hình bên dưới, bạn sẽ thấy với từng kinh nghiệm công việc, bạn sẽ nêu tên của phòng thí nghiệm hoặc đơn vị mà bạn đã tham gia thực tập. Sau đó, bạn cần mô tả ngắn gọn về nội dung chung của công việc, ví dụ “…Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chẩn đoán hỗ trợ điều trị tiểu đường”. Và quan trọng, bạn nên liệt kê 3-4 thành quả hay kết quả bạn đạt được khi tham gia công việc này, ví dụ “…được thực hành các kỹ thuật nuôi cấy tế bào, đếm tế bào, phát hiện chỉ thị sinh học”, v.v… Nếu bạn được tưởng thưởng hay được đánh giá cao bởi đơn vị quản lý thì bạn có thể đưa vào để tạo thêm ấn tượng với người đọc.
Điều quan trọng cần lưu ý khi viết CV ngành sinh học là bạn nên đưa ra những con số để cụ thể hóa các thành quả bạn đã đạt được với từng công việc. Ví dụ bên dưới là một cách trình bày kinh nghiệm làm trợ giảng tại phòng thí nghiệm của trường. Những thông tin như tên lớp học “Biomedical Sciences 307”, “số lượng 150 sinh viên” hay “những giờ hỗ trợ tại văn phòng hàng tuần” là khá cụ thể và giúp kinh nghiệm của bạn trở nên thuyết phục hơn nhiều.
Nếu bạn muốn kể những hoạt động ngoại khóa không liên quan đến chuyên môn như tham gia chiến dịch Mùa Hè Xanh, làm gia sư, hay làm tình nguyện viên cho một hoạt động thể thao, v.v… bạn không nên nêu trong phần “Kinh nghiệm chuyên môn” này. Bạn có thể tạo một phần riêng với tên gọi “Những hoạt động khác” hay “Other Activities” và nêu thật ngắn gọn mỗi hoạt động 1 dòng để tiết kiệm không gian của bản CV.
Nên viết phần “Kỹ năng” như thế nào?
Nếu bạn là một sinh viên mới ra trường, tôi khuyên bạn không nên liệt kê quá nhiều kỹ năng trong phần này của CV. Bạn chỉ nên nêu những kỹ thuật hay kỹ năng bạn đã được làm trên thực tế trong khóa luận tốt nghiệp, trong các đợt thực tập chuyên ngành, hoặc ít nhất là những điều bạn đã học hay thực hành vài ba lần trong nhà trường. Bạn nên tránh trường hợp viết ra những điều bạn chưa bao giờ biết đến chỉ để cho “đầy” bản CV! Một số điều bạn có thể lưu ý khi viết phần “Kỹ năng” này.
- Những kỹ thuật hay kỹ năng nào cần nhất cho vị trí ứng tuyển thì nêu đầu tiên
- Nên ghi cụ thể là bạn đã ứng dụng các kỹ thuật cho việc gì
- Kỹ thuật nào bạn nào chưa chắc chắn hay còn hiểu mơ hồ thì bạn nên dành thời gian tìm hiểu thêm, trước khi tham gia phỏng vấn (nếu bạn được gọi đi phỏng vấn ^^)
- Đừng quên đưa những kỹ năng như vi tính văn phòng, đồ họa, xử lý dữ liệu vào một dòng riêng
Bài viết thuộc bản quyền của Sinh Học Phân Tử Bên Giảng Đường.
4,346 total views, 1 views today
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.