Những người làm SINH HỌC PHÂN TỬ – Nhân viên R&D

Đây là loạt bài viết tôi dùng để chia sẻ nhận định cá nhân về những vị trí công việc khác nhau có liên quan đến sinh học phân tử. Ví dụ, tôi sẽ nói cho bạn biết để trở thành một nhân viên R&D tốt thì bạn cần phải có và rèn luyện những đức tính hay kỹ năng gì, v.v.. Có thể những nhận định này chưa đầy đủ nhưng tôi hy vọng qua đó các bạn sinh viên sẽ mường tượng được công việc gì phù hợp với bản thân mình nhất.

Vị trí công việc đầu tiên tôi muốn nói đến là Nhân viên R&D. Tại sao ư? Tại vì đây cũng là công việc đầu tiên trong đời của tôi và cho đến tận bây giờ tôi vẫn tin đó là công việc phù hợp nhất với mình.

Bắt đầu nhé?!

ĐAM MÊ. Đây là một yêu cầu quan trọng nhất mà cũng mơ hồ nhất. Để dễ hiểu, khi bạn đam mê một công việc R&D thật sự thì buổi sáng thức dậy bạn luôn muốn lao ngay đến công ty để làm thí nghiệm và buổi chiều tối sẽ cố gắng nán lại vài tiếng để đợi xem kết quả. 

KIẾN THỨC NỀN TẢNG. Bạn không cần phải biết tất tần tật mọi thứ liên quan đến sinh học phân tử, hoặc thậm chí kiến thức khởi đầu của bạn rất hạn hẹp. Nhưng bạn bắt buộc phải nắm được các kiến thức cơ bản của sinh học phân tử đại cương như DNA, RNA là gì, phiên mã, dịch mã ra sao, v.v… Vì nhờ vào các kiến thức nền tảng này bạn sẽ biết cách sử dụng từ khóa trên Google để tìm được những thông tin nâng cao hơn.

Xem thêm  KHI NÀO BẠN NÊN NGHỈ VIỆC?

SÁNG TẠO CÓ GIÁ TRỊ. Sáng tạo thì ai cũng biết là gì rồi, nhưng với một nhân viên R&D thì tính sáng tạo bắt buộc phải mang lại giá trị rõ ràng cho sản phẩm. Ví dụ:

  • Sáng tạo KHÔNG CÓ giá trị rõ ràng: Tìm ra cách nấu gel agarose lại nhiều lần mà không cần bổ sung thêm chất nhuộm DNA. Tại sao lại không có giá trị? Tại vì khách hàng luôn sử dụng gel agarose 1 lần rồi bỏ, vì họ cho rằng tái sử dụng sẽ làm giảm chất lượng gel.
  • Sáng tạo CÓ giá trị rõ ràng: Tạo ra một quy trình xác định genotype chỉ có 3 bước thao tác thay vì 5 bước như trước đây. Điều này giúp cho khách hàng tiết kiệm được thời gian và công sức nên họ sẽ chào đón sản phẩm của bạn.

Theo tôi, làm R&D không phải là làm bạn với các ý tưởng mà phải tập trung mọi khả năng để tạo ra được sản phẩm. Sản phẩm này phải dùng được, dùng bền và tốt nhất là có một không hai!

KIÊN NHẪN CÓ GIỚI HẠN. Cũng giống như những lĩnh vực khác, một thí nghiệm sinh học phân tử ít khi nào cho kết quả tốt ngay trong lần thử đầu tiên. Điều này đòi hỏi bạn phải thật sự kiên nhẫn trong việc lặp lại các thí nghiệm với các thông số khác nhau. Thời gian thường phải tính bằng tuần cho những thí nghiệm này. TUY NHIÊN, bạn phải luôn sáng suốt để biết DỪNG LẠI khi nhận thấy thí nghiệm của bạn sẽ không dẫn đến giá trị gì cả. Dừng lại và bắt đầu một cái mới khả thi hơn thì vẫn chưa được xem là thất bại đâu bạn nhé! Dừng lại đúng lúc cũng sẽ giúp công ty tiết kiệm được nhiều chi phí nữa đó bạn. 🙂

Xem thêm  Sinh viên mới ra trường nên viết CV ngành sinh học như thế nào?

PHỐI HỢP CHẶT CHẼ với bộ phận kinh doanh (sales) của công ty! Điều này quyết định động lực làm việc của bạn đó. Thứ nhất, bộ phận kinh doanh có nhiều mối quan hệ với khách hàng và sẽ mang về cho bạn những nhu cầu hái ra tiền từ khách hàng. Bạn sẽ phát triển sản phẩm mới hay cải tiến sản phẩm cũ từ những nhu cầu này. Thứ hai, cho dù bạn tạo ra một sản phẩm tuyệt hảo đến đâu, nếu bộ phận kinh doanh không bán được hay không muốn bán cho khách hàng thì thất bại vẫn có phần của bạn đó. 

Cho dù bạn làm R&D hay công việc khác thì luôn phải nhớ nằm lòng 1 điều: “Muốn tồn tại thì công ty phải bán được hàng!” .

TIẾNG ANH. Yêu cầu rất dễ hiểu đúng không? 🙂 Tối thiểu bạn phải có kỹ năng đọc và viết tiếng Anh. Đọc để hiểu các bài báo khoa học. Viết để dùng trong email liên lạc với các nhà cung cấp hóa chất, nguyên liệu, v.v… hoặc trao đổi kiến thức ở các forum.

TINH THẦN “TÔI LÀM ĐƯỢC”. Đừng bao giờ nghĩ đến những khó khăn đầu tiên khi bạn tiếp nhận một yêu cầu phát triển sản phẩm mới! Bạn phải luôn nói trong đầu mình rằng: “Ồ, ý tưởng sản phẩm này rất hay, nếu thành công nó sẽ đem lại một doanh thu kha khá cho công ty. Mình chắc chắn sẽ làm được”. Rồi từ đó bạn triển khai ra những giải pháp và bắt đầu tiên lượng những khó khăn đi kèm.

Xem thêm  Ba nội dung quan trọng khi viết CV ngành sinh học

Chúc bạn trở thành một nhân viên R&D tốt trong ngành sinh học phân tử này nhé!

 6,609 total views,  2 views today

1 bình luận

Để lại một phản hồi