Hồi còn ngồi trên ghế nhà trường, được nghe các thầy, cô giới thiệu Real-time PCR là “…một kỹ thuật sinh học phân tử giúp định lượng chính xác đến từng gene mục tiêu có trong phản ứng…”, rồi nữa “…hóa chất đắt lắm…”, và “…máy móc có giá rất rất cao…”, thế nên đứa sinh viên nào trong chúng tôi cũng mắt tròn, mắt dẹt mà xem kỹ thuật này không khác gì là thần thánh, có thể giải quyết được những vấn đề mang tầm vóc “siêu nhiên” :).
Ấy vậy mà khi đi làm, tôi lại thấy Real-time PCR thật ra cũng chỉ là một kỹ thuật như muôn vàn những kỹ thuật sinh học phân tử khác, có ưu nhưng cũng có khuyết. Và điều quan trọng hơn, có một số nhầm lẫn khi mọi người nghĩ về Real-time PCR mà trong bài viết hôm nay tôi muốn … phanh phui ra :), với hy vọng giúp mọi người có cái nhìn bao quát hơn.
Thứ nhất, không nên gọi Real-time PCR là “PCR định lượng” vì kỹ thuật này còn ít nhất 2 ứng dụng rất quan trọng là:
- Phát hiện gene mục tiêu, hay còn gọi là định tính á. Kết quả trả ra là Dương/Âm tính, giống y chang PCR thôi.
- Xác định kiểu gene (genotype, týp) của gene mục tiêu. Kết quả trả ra Genotype A, B, C, v.v…, cũng giống PCR thôi.
Tốt nhất, chúng ta nên gọi Real-time PCR là … Real-time PCR cho đúng với bản chất của nó.
Thứ hai, giá thành của một phản ứng Real-time PCR chưa chắc lúc nào cũng cao hơn một phản ứng PCR thông thường. Đặc biệt, nếu chúng ta chỉ sử dụng chất nhuộm SYBR Green trong phản ứng Real-time PCR thì chi phí thậm chí còn thấp hơn PCR-Điện di nữa đó. Lý do là:
- Chạy PCR-Điện di sẽ tốn thêm chi phí cho hóa chất đổ gel agarose, thuốc nhuộm DNA, buffer, đồ tiêu hao, v.v… Trong khi đó, Real-time PCR không tốn phần chi phí này.
- Chất nhuộm SYBR Green (gần đây người ta dùng nhiều EvaGreen) rất rẻ nếu tính trên lượng dùng cho từng phản ứng.
- Dùng PCR-Điện di tạo ra nhiều nguy cơ ngoại nhiễm, dẫn đến hao phí khủng khiếp do phải loại bỏ những phản ứng hay hóa chất bị nhiễm.
Thứ ba, máy Real-time PCR thường gồm 2 bộ phận: (1) hệ thống luân nhiệt, giống y chang máy PCR và (2) hệ thống quang học để đọc và xử lý tín hiệu huỳnh quang. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng máy Real-time PCR như một máy PCR thông thường, chỉ cần báo với máy rằng “Tôi không cần thu nhận tín hiệu huỳnh quang!” là nó sẽ tự hiểu và không dùng bộ phận thứ 2.
Thế nên, mua máy Real-time PCR rồi thì có thể không cần mua thêm máy PCR nữa, trừ khi số lần dùng PCR nhiều hơn dùng Real-time PCR.
Thứ tư, thiết kế và tối ưu hóa một phản ứng Real-time PCR thật ra không quá khó và đôi khi còn dễ hơn nhiều lần so với PCR thông thường. Sắp tới sẽ có một bài viết nói về “1 bước đển nâng cấp phản ứng PCR lên thành Real-time PCR!”, các bạn đón xem để biết … đôi khi sự phức tạp là do suy nghĩ của con người cả thôi. 🙂
Nếu 4 sự thật nêu trên đã giúp bạn cảm thấy thoải mái với “ông kẹ” Real-time PCR rồi thì thử bắt đầu tìm hiểu sâu thêm về nó qua clip này nha. Có 2 phần lận đó.
17,322 total views, 2 views today
Hay quá anh trai, lót dép hóng các bài review khác của anh, tag em vô với nha anh