Định hướng nghề nghiệp công nghệ sinh học trong công ty thương mại

Định hướng nghề nghiệp công nghệ sinh học trong công ty thương mại

Tôi viết bài viết “Định hướng nghề nghiệp công nghệ sinh học trong công ty thương mại” này với mục đích cơ bản là trả lời các câu hỏi nhận được từ sinh viên đến tham quan ngày hội hướng nghiệp My Job 2020 tại trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên TP.HCM vừa qua. Bạn đọc có thể sử dụng nội dung trong bài viết như một nguồn tham khảo cho mục đích giáo dục và hướng nghiệp.

Nội dung

Năm câu hỏi chính khi “Định hướng nghề nghiệp công nghệ sinh học trong công ty thương mại”

“Sinh viên tốt nghiệp công nghệ sinh học có thể làm những công việc gì trong công ty thương mại?”

Tùy theo kinh nghiệm học tập, sở thích và năng khiếu, một bạn sinh viên vừa tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học hoặc Sinh học có thể làm 3 vị trí trong công ty thương mại.

  • Nhân viên ứng dụng (Field Application Specialist, FAS): tư vấn sản phẩm, hướng dẫn sử dụng sản phẩm và giải quyết sự cố kỹ thuật. Xem thêm công việc chi tiết của một nhân viên ứng dụng tại đây.
  • Nhân viên kinh doanh (Sales): tìm kiếm khách hàng và cố gắng bán sản phẩm để tạo ra doanh thu
  • Nhân viên marketing: quảng bá sản phẩm đến khách hàng tiềm năng để tạo ra hoặc phát hiện những khách hàng thật sự có nhu cầu. Xem thêm công việc chi tiết của một nhân viên marketing tại đây.

“Khi tuyển dụng, công ty có yêu cầu kinh nghiệm làm việc không?”

Tùy vào vị trí ứng tuyển mà nhà tuyển dụng có thể yêu cầu kinh nghiệm liên quan.

  • Nhân viên ứng dụng: Dựa trên những dòng sản phẩm mà công ty thương mại đang phân phối, nhà tuyển dụng có thể yêu cầu ứng viên cần có 1-2 năm kinh nghiệm thao tác trong phòng lab liên quan đến các kỹ thuật như sinh hóa, PCR, tạo dòng, điện di, tinh sạch protein, phân tích vi sinh, nuôi cấy tế bào động vật, v.v…
  • Nhân viên sales: Thông thường nhà tuyển dụng không yêu cầu ứng viên mới ra trường phải có kinh nghiệm sales. Nhưng nếu bạn đã từng đi làm thêm các công việc liên quan đến bán hàng hay tích cực tham gia vào các hoạt động đoàn thể, ngoại khóa thì bạn sẽ có thêm vài điểm cộng đó!
  • Nhân viên marketing: Câu trả lời gần tương tự như nhân viên sales. Tuy nhiên, bạn có thể cần thêm kinh nghiệm về thiết kế đồ họa hay vẽ vời thứ gì đó trong các hoạt động ở nhà trường.
Xem thêm  Để có một bộ hồ sơ xin việc ngành sinh học ấn tượng

“Nhân viên kinh doanh sẽ làm những công việc gì?”

Đây là câu hỏi tôi hay nhận được khi tham gia các chương trình định hướng nghề nghiệp công nghệ sinh học ở các trường. Để hình dung công việc của một nhân viên kinh doanh một cách có hệ thống, tôi mời các bạn xem hình bên dưới về lộ trình “nuôi dưỡng” (Nutruring) một khách hàng tiềm năng trở thành một “đơn hàng” chất lượng.

định hướng nghề nghiệp công nghệ sinh học
Các bước cơ bản để “nuôi dưỡng” một khách hàng tiềm năng
  • Bước 1 – Khách hàng đã được nhận diện (Identified): Bạn cần đến gặp khách hàng để tìm hiểu về nhu cầu hoặc vấn đề hiện tại/tiềm ẩn của khách hàng. Từ thông tin này, bạn sẽ cần trao đổi với nhân viên ứng dụng để cho ra giải pháp phù hợp.
  • Bước 2 – Khách hàng có nhu cầu cụ thể (Qualified): Sau khi xác định được đây là 1 khách hàng chất lượng với nhu cầu cụ thể và liên quan đến sản phẩm của công ty, bạn cần đề xuất giải pháp của mình cùng với báo giá. Qua đây, bạn cần xác định thêm khách hàng có đủ ngân sách để sử dụng giải pháp của bạn hay không. Nếu có thì khách hàng có thể đầu tư sớm nhất vào thời điểm nào. Lúc này bạn cũng sẽ thấy xuất hiện vài đối thủ cạnh tranh. Bạn cần so sánh với các đối thủ cạnh tranh để xem giải pháp của bạn đáp ứng với yêu cầu của khách hàng tốt đến mức độ nào. 
  • Bước 3 –  Khách hàng đã nhận được một số giải pháp đề xuất (Proposed): Thông thường, khách hàng sẽ đề nghị bạn cho họ dùng thử sản phẩm (demonstration hay demo) trong một thời gian ngắn (1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, v.v…). Bạn cần xác định rõ với khách hàng những điểm họ kỳ vọng về kết quả dùng thử để đảm bảo rằng bạn có thể đạt được 100% thành công khi tiến hành demo. 
  • Bước 4 – Sau khi bạn demo sản phẩm thành công, khách hàng sẽ bắt đầu thương lượng các điều khoản mua bán với bạn (Negotiating). Thông thường, họ sẽ đề nghị bạn giảm giá 10%, 15% hay thậm chí 20% so với giá bạn chào ban đầu. Lúc này bạn cần xem xét lại các chi phí để cân nhắc mức giảm giá phù hợp (nếu bạn chấp nhận giảm giá). Nếu bạn không muốn giảm giá, hoặc chỉ giảm một mức nhỏ, bạn có thể nghĩ đến việc tặng kèm một số sản phẩm nhỏ để khách hàng dùng chung với sản phẩm chính, hoặc tăng thời gian bảo hành, bảo trì lên. 
  • Bước 5 – Sau khi khách hàng và bạn đã thống nhất các khoảng giảm giá, tặng kèm hoặc các gói hậu mãi (Accepted), bạn sẽ bước sang giai đoạn soạn hợp đồng. Lúc này bạn vẫn cần hết sức thận trọng vì bạn sẽ phải làm việc với các bộ phận tài chính, kế toán, hành chính của đơn vị khách hàng trực thuộc. Những bộ phận này thường có yêu cầu khắt khe về câu chữ, con số và nội dung trong hợp đồng. Rất nhiều bạn nhân viên kinh doanh rơi vào tình thế “Sai một li, đi ngàn dặm” ở bước này. Bạn nên phối hợp với bộ phận kế toán bên công ty bạn để mọi việc suôn sẻ hơn 
  • Bước 6 – Chúc mừng bạn! Bạn đã ký được một hợp đồng đầu tiên! (Closed) Bạn bắt đầu làm các thủ tục đặt hàng cho nhà cung cấp và theo dõi đơn hàng cũng như tiến độ thanh toán, giao hàng theo hợp đồng đã ký. Lúc này, bạn đã thư thả hơn, hãy trao đổi thêm với khách hàng để xem bạn có thể bán gì thêm cho họ trong tương lai gần hay không nhé.
Xem thêm  Tạo NIỀM VUI trong LỚP HỌC bằng GAMESHOW

“Nhân viên kinh doanh có gặp khách hàng nhiều không?”

Câu trả lời tất nhiên là “Có”. Để trở thành một nhân viên kinh doanh thành công bạn cần dành hơn 70% thời gian để đi tìm kiếm khách hàng mới, thăm hỏi khách hàng cũ. Phần thời gian còn lại bạn dành cho các công việc giấy tờ như trả lời email, soạn báo giá, soạn hợp đồng, giải quyết các sự cố liên quan đến giao hàng.

“Nhân viên ứng dụng (FAS) là làm những gì?”

Để hiểu vai trò của nhân viên ứng dụng (FAS) trong công ty thương mại, tôi mời các bạn tham khảo một quy trình bán hàng điển hình bên dưới. Quy trình này được phân thành 3 giai đoạn: Trước bán hàng, Bán hàng và Sau bán hàng. Trừ giai đoạn Bán hàng do nhân viên kinh doanh phụ trách, nhân viên ứng dụng sẽ tham gia vào các hoạt động Trước và Sau Bán hàng.

Định hướng nghề nghiệp công nghệ sinh học
Quy trình bán hàng điển hình trong công ty thương mại

Trong giai đoạn Trước bán hàng, nhân viên ứng dụng có thể tham gia vào những hoạt động như đứng tư vấn tại quầy triển lãm, trình bày seminar, tư vấn giải pháp, hướng dẫn khách hàng dùng thử sản phẩm.

Trong giai đoạn Sau bán hàng, nhân viên ứng dụng sẽ tham gia khảo sát mặt bằng lắp đặt khi cung cấp các thiết bị lớn, hướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm đến khi thuần phục và giải quyết các sự cố phát sinh trong suốt thời gian khách hàng sử dụng sản phẩm.

Xem thêm  Học sinh học phân tử thì nên làm nghề gì?

Các bạn có thể đọc thêm Bàn về nghề nhân viên ứng dụng ngành sinh học – Phần 1.

Một số câu hỏi khác về “Định hướng nghề nghiệp công nghệ sinh học trong công ty thương mại”

“Quy định về giờ giấc làm việc trong công ty thương mại như thế nào?”

Tùy theo cách quản lý của mỗi công ty mà giờ giấc làm việc của 3 vị trí công việc trên là linh động hoặc cố định trong giờ hành chính. Thông thường, nhân viên kinh doanh sẽ có thời gian làm việc linh động nhất. Tuy nhiên, cái quyền “được linh động này” được xem là con dao hai lưỡi. Nếu tập trung, chăm chỉ và chuyên nghiệp, bạn sẽ trở nên thành công với sự linh động trong giờ giấc. Ngược lại, nếu bạn lợi dụng sự linh động để vui chơi, tận hưởng cho cá nhân thì chắc chắn bạn sẽ bị các lãnh đạo “chiếu tướng”.

“Công ty thương mại có vị trí công việc nào chỉ làm thuần túy về nghiên cứu không?”

Câu trả lời chắc chắn là “KHÔNG” các bạn nhé.

“Công ty thương mại có tự sản xuất thiết bị, hóa chất không hay chỉ nhập từ nước ngoài về bán?”

Khác với các công ty sản xuất, một công ty thương mại thuần túy sẽ không có các hoạt động sản xuất ra sản phẩm hay kiểm tra chất lượng sản phẩm. Tất cả hàng hóa do công ty thương mại cung cấp đều do những nhà sản xuất khác tạo ra. Những nhà sản xuất này phần lớn là công ty nước ngoài. Số lượng nhà sản xuất trong nước liên quan đến lĩnh vực Khoa học Sự sống hiện tại không lớn và chiếm thị phần rất nhỏ.

Cảm ơn bạn đọc đã dành thời gian đọc hết bài viết “Định hướng nghề nghiệp công nghệ sinh học trong công ty thương mại” này! Xin chúc các bạn thành công trong công việc!

Bài viết thuộc bản quyền của www.sinhhocphantu.net

 4,582 total views,  1 views today

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi