Tôi cứ lấn cấn mãi với cái tựa đề của bài viết này vì không biết nên dùng từ “nghỉ việc” hay là từ “đổi việc”. Cuối cùng tôi chọn từ “nghỉ việc” vì muốn có “đổi việc” thì trước tiên phải “nghỉ việc”. Và đôi khi chúng ta có thể làm cùng một vị trí công việc ở 2 công ty khác nhau nên từ “đổi việc” sẽ không đúng cho tất cả trường hợp. Vậy khi nào bạn nên nghỉ việc?
Nội dung
Khi tôi không hợp với tính cách của Sếp
Theo tôi, đây là nguyên nhân lớn nhất khiến tôi phải xin nghỉ việc 2 lần trong 10 năm đi làm của mình. Trong định nghĩa đơn giản của tôi về “sếp” thì “Sếp không nhất thiết phải giỏi tất cả mọi việc nhưng phải là người chính trực, rõ ràng, giữ lời hứa, công tư phân minh, và dũng cảm. Dũng cảm không có nghĩa là sẵn sàng hy sinh vì cấp dưới mà là sẵn sàng ra mặt giải quyết các vấn đề của tập thể khi cần. Những người có ý nghĩ đẩy cấp dưới ra chịu trận thì không thể là sếp”.
Nhưng nếu bạn có lỡ quá yêu công việc hay các đồng nghiệp khác trong công ty mà vướng phải một người Sếp “không hợp với tính cách” của bạn thì bạn có nên “nghỉ việc” không? Câu trả lời của tôi là “Có!”. Vì, 1000 niềm vui cũng không thể lấn át 1 nỗi bực dọc mà bạn phải mang trên mình vào mỗi sáng bước vào công ty đâu! Bực dọc cứ thế tăng dần đều và niềm vui cũng sẽ không cánh mà bay thôi…
Khi bản tính của tôi không phù hợp với công việc
Đây là nguyên nhân khiến tôi nghỉ việc 2 lần khi thử làm vị trí nhân viên kinh doanh (sales). Tôi cảm thấy không thoải mái khi cứ phải đi rình mò những người “khách hàng tiềm năng”. Tôi cảm thấy mình thật giả tạo khi cứ phải thao thao bất tuyệt hàng tiếng đồng hồ với vài khẩu quyết sáo rỗng “Đây là sản phẩm tốt nhất và phù hợp nhất với anh/chị”, vì tôi biết còn lắm thứ tốt và phù hợp hơn. Tôi cảm thấy đầu óc căng cứng khi cứ phải nghĩ thêm nội dung để xởi lởi với khách hàng, kiểu như “Hồi trước chị học ở đâu?”, “Chà, đề tài đó khó lắm đó chị, chị làm sao hay vậy?”, hay “Chị, cái này ít ai làm ra lắm đó, chị làm được vậy là giỏi lắm rồi…”, bla bla bla…
Khi tôi đã chạm đến cái “nóc” phấn đấu ở công ty
Có thể nói công việc đầu đời của tôi là làm nhân viên R&D tại một công ty tư nhân chuyên nghiên cứu và sản xuất hóa chất sinh học phân tử. Tôi trải qua 6 năm dài ở công ty này với không ít vị trí công việc khác nhau như nghiên cứu, quản lý sản xuất, sales, marketing. Ở mỗi công việc, tôi học được một chút. Rồi khi đang yên ổn cùng với một chức danh quản lý nghe kêu kêu trong công ty, tôi nộp đơn xin nghỉ việc. Nguyên nhân lớn nhất cho quyết định này của tôi là tôi đã cảm thấy không còn quá nhiều thứ mới mẻ để học, để trau dồi hay tích lũy nữa. Thế giới bên ngoài mới là biển học mênh mông và tôi cần dấn thân vào.
Vậy, nên làm bao nhiêu năm tại một công ty rồi mới tính đến chuyện “nghỉ việc”?
Theo tôi, quãng thời gian này nên là 2-3 năm. Năm đầu tiên là năm bạn nên xông vào làm lấy làm để các công việc tại công ty (tất nhiên phải phù hợp với vị trí bạn ứng tuyển) để có cái sai và sửa liên tục. Bạn sẽ học được nhiều thứ trong năm đầu tiên này. Sang năm thứ hai, bạn cần phải “thanh lọc” bớt các công việc linh tinh, không phù hợp với định hướng phát triển bản thân của mình. Hãy tập trung tôi luyện những kỹ năng quan trọng nhất để định hình vị trí công việc cao cấp hơn trong tương lai. Vào cuối năm hai này, bạn nên bắt đầu nghĩ đến những sự thay đổi. Không nhất thiết bạn phải xin “nghỉ việc”. Bạn có thể xin “thăng cấp” hay chuyển đổi vị trí công việc nếu công ty vẫn còn “không gian” để bạn vẫy vùng.
Quãng thời gian 2-3 năm kể trên chỉ đúng nếu bạn thật sự tập trung làm việc và có ý thức trong việc xác định mục tiêu nghề nghiệp. Nếu bạn có quan điểm “làm cho qua ngày, hết tháng” thì bạn có thể bỏ qua mục này.
Bạn nên làm gì khi đã tính đến chuyện “nghỉ việc”?
Có nhiều việc bạn phải làm. Nhưng nếu là tôi, tôi sẽ cắm đầu cắm cổ làm thật tốt những công việc tại công ty hiện tại. Tại sao ư? Tôi sẽ không nói lý do ở đây và nhường cho bạn thời gian để tự trải nghiệm.
Bài viết thuộc bản quyền của Sinh Học Phân Tử Bên Giảng Đường.
3,445 total views, 1 views today
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.