Bốn câu hỏi phỏng vấn việc làm đúng ngành sinh học

phỏng vấn việc làm đúng ngành sinh học

Tôi vốn là một sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học từ một ngôi trường tiếng tăm tại thành phố Hồ Chi Minh. Tính đến nay, ngót nghét cũng hơn 10 năm, không ít lần tôi được tham dự những buổi phỏng vấn việc làm đúng ngành sinh học. Với bản tính thích trải nghiệm thử thách mới, tôi đã nộp đơn đủ thứ vị trí như nhân viên nghiên cứu – phát triển sản phẩm, trợ lý giám đốc, nhân viên kinh doanh, chuyên viên chạy ứng dụng, giáo viên, v.v… Mặc dù đã vượt qua phần lớn các buổi phỏng vấn, nhưng cũng đôi ba lần tôi phải nếm mùi thất bại kèm theo là cái lắc đầu của nhà tuyển dụng. Sau đây, tôi xin chia sẻ cùng các bạn những câu hỏi phỏng vấn quan trọng và kinh nghiệm trả lời của bản thân tôi cũng như bài học xương máu…

Nội dung

“Đặc điểm nào là quan trọng nhất đối với máy PCR?”

phỏng vấn việc làm đúng ngành sinh học
Đặc điểm nào là quan trọng nhất đối với máy PCR? (Nguồn: Internet)

Khi mới ra trường, tôi đã nộp đơn vào làm nhân viên kinh doanh cho một công ty phân phối thiết bị nghiên cứu sinh học tại thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù tôi chưa hề có kinh nghiệm bán hàng nhưng vẫn được gọi đến tham gia phỏng vấn, nhờ vào cái lá thư xin việc (cover letter) bằng tiếng Anh khá ấn tượng. Đến nơi, tôi được gặp anh chủ công ty và anh đã hỏi tôi một câu mang đậm chất kỹ thuật “Máy PCR có đặc điểm nào quan trọng nhất?”. Với kinh nghiệm xa lắc xa lơ của hơn 1 năm trời chỉ ngồi trong phòng máy tính và gõ “cốt” (code) lập trình mấy cái chương trình xử lý trình tự sinh học (tôi học ngành Bioinformatics), tôi đã bị đứng hình trước câu hỏi tưởng chừng là đơn giản này. Các học phần về sinh học phân tử trong suốt 4 năm Đại học cũng chỉ giúp tôi nhớ lại rằng cái máy PCR có một cục đen đen phía dưới và một cái nắp cũng đen đen phía trên :(.

Tôi không nhớ câu trả lời của mình lúc đó như thế nào nhưng chắc chắn là nó đã sai hoàn toàn. Kết quả là tôi trượt phỏng vấn lần đó.

Bài học: Tìm hiểu thật kỹ về sản phẩm của nhà tuyển dụng trước khi đi phỏng vấn!

Buổi phỏng vấn việc làm đúng ngành sinh học đầu tiên – “Vì sao em không đi du học?”

Đó là câu hỏi của cô PGS.TS. Hồ Huỳnh Thùy Dương đã đặt ra trong buổi phỏng vấn việc làm đúng ngành sinh học đầu tiên trong đời của tôi…

Những ngày tháng 2 năm 2008, tôi nộp đơn vào vị trí nhân viên phát triển sản phẩm tại một công ty tư nhân Việt Nam chuyên sản xuất các bộ hóa chất xét nghiệm bệnh nhiễm trên người bằng PCR và Real-time PCR. Sau Tết Nguyên Đán, tôi được gọi vào phỏng vấn và thật sự rất bất ngờ khi được “diện kiến” cô Dương. Lúc bấy giờ cô đang làm cố vấn khoa học cho công ty. Sau một chốc có phần hoảng loạn (vì cô Dương nổi tiếng là giáo viên khó tính nhất nhì trong khoa Sinh của chúng tôi), tôi dần lấy được bình tĩnh và trả lời lần lượt các câu hỏi. Khi xem qua bảng điểm của tôi, cô hỏi một câu “Với học lực này, vì sao em không đi du học?”. Một thoáng tần ngần, tôi trả lời một cách thận trọng.

“Vì em chưa biết mình sẽ làm được việc gì với những gì em đã học trong 4 năm vừa qua, nên em chưa muốn học tiếp. Em chỉ học tiếp khi đã đi làm và nếu công ty yêu cầu.”

Sau câu trả lời này, tôi được nhận vào làm và gắn bó với công việc này hơn 6 năm trời.

Bài học: Hãy trả lời ngắn gọn, thành thật và khôn ngoan. “Khôn ngoan” tức là hãy luôn lấy lợi ích của nhà tuyển dụng làm trung tâm khi trả lời.

Xem thêm  Nhân viên kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ sinh học

“Em muốn lương bao nhiêu?”

Đề xuất mức lương hợp lý luôn là điều khó khăn khi tham gia các buổi phỏng vấn xin việc, đặc biệt là khi bạn chỉ là một anh sinh viên chân ướt chân ráo rời ghế nhà trường. Yêu cầu lương thấp thì nhiều khả năng sẽ “hớ” nặng về sau, làm thì nhiều mà lương chẳng được bao nhiêu. Còn nếu đòi lương cao ngất ngưởng thì xem như bạn cầm chắc vé … rớt! Nói chung, “điêu” (deal) lương là một nghệ thuật thật sự. Mà đã là nghệ thuật rồi thì sẽ không thể có một lời khuyên nào chính xác cho mọi trường hợp cả. 🙂

Khi đến dự buổi phỏng vấn cho vị trí nhân viên kinh doanh thiết bị, hóa chất nghiên cứu sinh học tại một tập đoàn lớn và nổi tiếng của Đức, anh Giám đốc kinh doanh ở đấy hỏi tôi “Mức lương mong muốn của em là bao nhiêu?”. Dựa trên số liệu tham khảo trước đó, tôi tự tin trả lời “Dạ, em muốn … ngàn USD!” 🙂

Khẽ nhướng một bên lông mày, anh Giám đốc hỏi tiếp.

“Tại sao em lại cần một mức lương cao như vậy?”

Tôi khẳng khái trả lời.

“Dạ, vì đây là lần đầu tiên em đi làm nhân viên kinh doanh nên chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu. Mức lương này sẽ là nguồn động lực giữ cho em tiếp tục công việc và vượt qua được khó khăn…”

Kết quả, tôi bị trượt phỏng vấn đợt đó.

Bài học 1: Làm nghề bán hàng thì đừng yêu cầu lương cơ bản cao, mà hãy đòi hoa hồng hay “bô-nớt” (bonus) thật cao! Bán được nhiều hàng thì không khéo hoa hồng còn cao hơn cả lương nữa đó!

Bài học 2: Hãy hỏi nhà tuyên dụng về những nguồn thu nhập khác ngoài lương cơ bản để có một đề xuất hợp lý và hài lòng cho cả hai bên.

“Em có thể mang lại lợi ích gì cho công ty chúng tôi?”

Cho dù bạn tham gia phỏng vấn việc làm đúng ngành sinh học hay là trái ngành, đây có thể xem là một trong những câu hỏi thường gặp nhất nhưng không quá khó để vượt qua!

Bản thân tôi cũng đã tiếp nhận câu hỏi này trong buổi phỏng vấn cho vị trí trợ lý giám đốc tại một công ty cổ phần chuyên sản xuất thuốc trị bệnh cho thủy sản. Điều may mắn cho tôi lúc bấy giờ là trong thời gian làm việc cho công ty cũ trước đó tôi đã từng hợp tác với một công ty sản xuất thuốc thủy sản tương tự! Vậy là tôi “bê” nguyên xi những công việc tôi từng làm trước đây để trả lời cho nhà tuyển dụng! Tất nhiên, để biết rằng những công việc này có phải là điều nhà tuyển dụng mong muốn hay không, trước khi trả lời tôi đã hỏi nhà tuyển dụng về định hướng và kế hoạch phát triển kinh doanh của họ.

Một ví dụ khác. Khi nộp đơn vào làm giảng viên kiêm nghiên cứu viên tại một trường Đại học tư nhân ở Việt Nam, tôi đã tìm hiểu trước qua một số nguồn tin báo chí và đặc biệt là người quen về chủ trương phát triển khoa Công nghệ sinh học của ngôi trường này. May thay, vì đây là một ngôi trường tư nhân nên họ chú trọng phát triển thêm mảng dịch vụ nghiên cứu để thu hút thêm dòng tiền từ đối tác bên ngoài, bên cạnh học phí. Và cái hoạt động nghiên cứu nào mà liên quan đến tiền bạc thì quá hợp với kinh nghiệm của tôi rồi!

Kết quả, dù được nhận vào làm ở cả hai đơn vị nhưng tôi đã không đi làm hoặc làm không quá lâu. Âu cũng là có duyên không phận đó mà…

Bài học: Khi đi phỏng vấn việc làm đúng ngành sinh học, bạn hãy tìm hiểu về định hướng phát triển của nhà tuyển dụng để tìm ra những giá trị mà bạn có thể đem lại cho họ. Nên nhớ, chỉ bán cái gì người ta cần! Nếu bạn không có cái người ta đang cần thì bạn nên kiếm chỗ khác mà bán, đừng phí thời gian đi phỏng vấn!

Bài viết thuộc bản quyền của Sinh Học Phân Tử Bên Giảng Đường.

Xem thêm  Ba ưu điểm của kỹ thuật Real-time PCR

 13,078 total views,  1 views today

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi